Nâng chất tiêu chí nông thôn mới từ mô hình sản xuất hữu cơ

Xác định sản xuất nông sản an toàn là hướng đi tất yếu cho nền nông nghiệp cũng như nâng chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, xã Trung An (Vũng Liêm) đang vận động người dân tham gia xây dựng các mô hình trồng dừa và tắc không hạt theo hướng hữu cơ để tạo “điểm nhấn” và nhân rộng trong thời gian tới.

Qua đây, góp phần nâng chất tiêu chí môi trường và an toàn trong xây dựng NTM.

Nông trại trồng tắc không hạt

Đến tham quan Nông trại An Phước (ấp An Phước, xã Trung An), trước mắt chúng tôi là những luống đất thẳng tắp trải dài cùng màu xanh mướt mắt của những cây đu đủ và tắc không hạt.

Nông trại An Phước đang đi tiên phong trong xây dựng mô hình trồng tắc không hạt kết hợp với đu đủ theo hướng hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Ngư- Quản trị viên kiêm Kế toán tổng hợp Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Phước, cho biết: Nông trại đang đi đầu trong việc canh tác trên diện rộng mô hình trồng tắc không hạt theo hướng hữu cơ. Trước đây, người dân chủ yếu trồng tắc có hạt và canh tác theo lối cũ.

Là người có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực nông nghiệp lâu năm, bà Ngư cho biết: Bà đã tìm hiểu kỹ mô hình trồng tắc không hạt theo hướng hữu cơ. Đồng thời, kết nối với Viện Cây ăn quả Miền Nam để được hỗ trợ về quy trình trồng tắc, cách ủ phân thuốc hữu cơ… và tập huấn cho nhân viên. Hiện, đầu vào và đầu ra của cây trồng đều có hợp tác với đơn vị cung ứng và thu mua.

“Đến nay, nông trại đã xuống giống được một phần, dự kiến trong tháng 10/2023, sẽ trồng phủ toàn bộ diện tích nông trại”- bà Ngư nói và cho biết: Ngay từ đầu vào, nông trại chọn cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng- từ một công ty ở Bến Tre để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh, nông trại sử dụng phân bón của công ty chuyên về vi sinh.

Nông trại được chia làm 3 khu với tổng diện tích 6ha, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2023. Trước đó, nông trại hợp đồng với người dân móc đất làm cơ giới. Ngay khi vừa làm đất xong thì trồng bí đỏ trái dài, chủ yếu là tận dụng không để đất trống. “Thu hoạch xong thì cho chứ không bán. Cái chính là tận dụng thân, lá, rễ cây để ủ phân”- bà Ngư nói.

Hiện, nông trại trồng đu đủ xen tắc không hạt (trong đó trọng tâm là trồng tắc). Mô hình này chủ yếu là “lấy ngắn nuôi dài”.

Sắp tới những trái chiếng đu đủ không tốt sẽ lảy bỏ, chỉ chọn lọc những trái đạt chuẩn để đem bán. Dự kiến, khi thu hoạch đến cổ 2 sẽ ngưng. Sau đó, sẽ bứng thân cây, rễ, lá đu đủ đem đi ủ nóng sử dụng lại cho cây tắc. Nếu cây sinh trưởng tốt thì chưa tới 2 năm sẽ cho trái. Về giá bán, được hợp đồng theo thời giá. Song, mức thấp nhất là 10.000 đ/kg.

Bà Nguyễn Thị Ngư: Do trồng theo hướng hữu cơ nên từ lúc trồng tới lúc thu hoạch sẽ kéo dài thời gian hơn so với việc bón phân hóa học, vì muốn đi tiên phong nên mình phải chấp nhận. Hiện, nông trại đang gặp khó là đường đi chưa thuận tiện, dẫn đến công vận chuyển tăng, lợi nhuận giảm.

Hướng đến nông nghiệp sạch

Cùng với Nông trại An Phước, tại xã Trung An còn có thêm một nông trại mới (cũng trồng tắc không hạt) chuẩn bị đi vào hoạt động với diện tích 10ha. Cùng với đó, xã còn xây dựng vùng nguyên liệu trồng dừa ta theo chuẩn organic với diện tích 38,54ha.

Có hơn 3,5 công vườn trồng dừa theo chuẩn organic, ông Huỳnh Ngọc Diệp- ấp Trung Hòa 2, cho biết: Ông trồng dừa hơn chục năm nay với khoảng 110 gốc, sản lượng 500-900 trái/tháng (tùy thời điểm).

Từ năm 2021, theo vận động của địa phương, ông thực hiện theo chuẩn organic. Chủ yếu là rải phân hữu cơ thay cho phân hóa học và mần cỏ thay cho xịt cỏ như trước đây… “Tham gia mô hình này thấy hiệu quả nhiều hơn trước. Vừa qua, tui thu hoạch dừa ta khô, bán với giá 70.000 đ/chục, cao hơn thị trường khoảng 10%”- ông Diệp cho hay.

Ông Hà Văn Thái- Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết: Những năm qua, nông dân trồng dừa giá cả bấp bênh và bị thương lái ép giá. Trước tình hình trên, địa phương liên kết với một công ty xây dựng vùng nguyên liệu trồng dừa theo chuẩn organic để xuất khẩu.

Qua triển khai, khảo sát và sàng lọc, giai đoạn 1 có 93 hộ trồng dừa ở 3 ấp (Trung Hòa 1, Trung Hòa 2 và An Phước) đạt chuẩn theo yêu cầu. Hiện, địa phương đang thực hiện giai đoạn 2 ở 3 ấp còn lại. Sắp tới, trong giai đoạn 3 sẽ thực hiện “vét đuôi” những hộ còn lại.

“Mục tiêu của địa phương là hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu trồng dừa đạt chuẩn organic cho toàn xã, định hướng cho nông dân sản xuất- kinh doanh nông sản an toàn và bán có giá hơn”- ông Hà Văn Thái cho hay và chia sẻ: Chúng tôi muốn làm cái nào chắc cái đó, chủ yếu làm sao để người dân thấy được hiệu quả kinh tế cùng những lợi ích về sức khỏe cho cả người sản xuất và tiêu dùng từ những mô hình này mà tích cực tham gia.

Chủ tịch UBND xã Trung An cho biết thêm, để góp phần nâng chất tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM, xã đang vận động người dân tập trung sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ. Theo đó, từ mô hình trồng dừa và tắc không hạt sẽ làm “điểm nhấn” để nhân rộng ra.

https://www.baovinhlong.com.vn/kinh-te/202310/nang-chat-tieu-chi-nong-thon-moi-tu-mo-hinh-san-xuat-huu-co-3176713/

Related Posts

Giá rau xanh tăng cao, đâu là nguyên nhân?

Giá rau xanh tăng cao, đâu là nguyên nhân? Giá rau xanh tại các chợ dân sinh ở Hà Nội trong thời gian qua tăng “chóng mặt”…

Doanh nghiệp thủy sản “chớp” được cơ hội vàng và xuất khẩu sẽ phục hồi hoàn toàn

Ngành thủy sản nói chung, xuất khẩu (XK) thủy sản nói riêng đang có nhiều cơ hội tăng trưởng và năm 2022 xuất khẩu thủy sản sẽ…

Làng hoa, cây cảnh Hải Phòng tất bật vào vụ Tết

Còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hoa trong dịp Tết,…

Ngày hội cam quýt Bạch Thông

Ngày hội cam quýt tại tỉnh Bắc Kạn diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với người…

Cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu sang 60 nước và vùng lãnh thổ

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay sản phẩm cà phê nhân của tỉnh Đắk Lắk đã xuất sang 60 nước và vùng lãnh thổ trên khắp…

Giá khoai lang tím Nhật lập đỉnh mới, hơn 1,2 triệu đồng/tạ

Do ảnh hưởng 2 năm dịch bệnh COVID-19, giá khoai lang tím Nhật luôn ở mức thấp, có thời điểm chỉ còn 30.000 – 40.000 đồng/tạ. Hiện…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.